Màn hình máy tính tinh thể lỏng (LCD) không còn là sản phẩm "xa xỉ" đối với nhiều người tiêu dùng. Chỉ cần bỏ ra trên dưới 200 USD là bạn đã có một màn hình LCD chất lượng tốt.
Theo các chuyên gia công nghệ, một ưu điểm quan trọng của màn hình LCD là có khả năng ngăn chặn hội chứng Suy giảm thị lực vì máy tính (CVS) bao gồm: đau đầu, mất tập trung, nhìn hình bị nhòe hay mờ, mỏi hoặc đỏ mắt, một chứng bệnh mà có tới 90% những người làm việc với máy tính trên 3 tiếng/ngày mắc phải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua màn hình LCD, nhất là những màn hình đã qua sử dụng cần lưu ý đến một số điểm cơ bản:
Trước hết là cần lưu ý kiểm tra điểm chết (Dead pixel) trên màn hình. Đó là những điểm ảnh không có khả năng biểu diễn các màu sắc khác nhau. Nó biểu hiện qua một chấm sáng hoặc tối đơn độc trên màn hình. Để kiểm tra điểm chết người dùng nên để hình nền (desktop) hoàn toàn màu đen để tìm được điểm chết luôn sáng (màu trắng) và ngược lại sử dụng hình nền sáng màu sẽ phát hiện được điểm chết luôn tối.
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, số điểm chết của một màn hình LCD nhỏ hơn 4 là mức cho phép của hầu hết các nhà sản xuất hiện nay.
Ngoài ra, tỷ lệ tương phản cũng là một điểm cần lưu ý vì tỷ lệ này càng cao sẽ khiến hình ảnh thể hiện trên màn hình LCD càng sắc nét. Đối với các màn hình LCD hiện nay, độ phân giải tối thiểu phải là 300:1.
Trong quá trình sử dụng, không nên chạm tay hay dùng các vật nhọn chạm vào màn hình, cũng không nên lau chùi vùng hiển thị bằng chất tẩy rửa, tốt nhất là dùng bông gòn thấm ẩm lau nhẹ, không nên đặt màn hình ở vị trí có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, hay đặt màn hình ở không gian hẹp.
Bên cạnh đó, cần bảo quản máy trong điều kiện mát mẻ, sạch và hơn hết tạo thuận lợi cho máy toả nhiệt tốt. Khoảng cách từ màn hình đến các vật dụng bên cạnh ít nhất là 10 cm.
Khác với màn hình CRT, LCD đòi hỏi thời gian hoạt động có giới hạn. Nguồn sáng màn hình có tuổi thọ nhất định, mức chuẩn là 50.000 giờ phát sáng liên tục. Nếu luôn bật sáng màn hình và để ở một chương trình hoạt động nhất định thì màn hình rất dễ bị cháy hình, còn gọi là hiện tượng ăn màu.
Hiện tượng này là vị trí nào khung hình đó được hiển thị lâu nhất thì màu đó có khả năng vô hiệu hóa các màu khác. Do vậy, không nên để màn hình trong trạng thái hiển thị hình tĩnh liên tục mà cần phải có sự thay đổi. Ví dụ như, cài đặt màn hình ở chế độ bảo vệ màn hình. Tắt luôn máy khi không sử dụng trong thời gian dài. Do tính chất hay va chạm trong khi sử dụng nên nhiều nhà sản xuất đã chế tạo ra các miếng dán bảo vệ màn hình cho hầu hết các loại màn hình từ bình thường cho đến cao cấp. Nhưng các miếng vá này chỉ che trở được cho màn hình LCD kích thước dù to hay nhỏ tránh chầy xước và bụi bặm. Vì vậy, để có được một màn hình hoạt động bền và ổn định, người sử dụng vẫn cần lưu ý đến việc tránh va đập khi sử dụng màn hình LCD.
Vũ Anh Tú